Tại sao bạn không hài lòng với cuộc sống của mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn về ”kỹ thuật thực chiến” mà tôi đã và đang áp dụng cho cuộc sống của mình. các bạn sẽ thay đổi ý nghĩ.
I. Chuẩn bị
Mọi việc, bất kể lớn nhỏ, chúng ta đều cần có bước chuẩn bị. Việc chuẩn bị sẽ khiến chúng ta chủ động hơn trong hành động. Giống như trước khi bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả, chúng ta cần có bữa sáng đầy đủ, có thể thêm một ly coffee cho tỉnh táo. Hoặc chỉ riêng việc thức dậy đúng giờ thôi đã là sự chuẩn bị quá tốt rồi.
”Nếu cho tôi 6 tiếng để bổ củi, thì tôi sẽ dành 4 tiếng để mài lại lưỡi rìu.” – Abraham Lincohn
Vai trò của khâu chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Nó đã chiếm gần 50% thành công của bạn rồi.
Khâu này tôi không cần nói cụ thể, vì tuỳ mỗi người mà có cách chuẩn bị hành động khác nhau. Tôi sẽ liệt kê khái quát những điều bạn cần chuẩn bị trước khi bắt đầu hành động:
- Sức khoẻ: Dù tuổi trẻ chúng ta chưa bị ốm đau nhiều, vẫn còn thời gian để chăm sóc cho bản thân, chúng ta nên biết cách giữ gìn sức khoẻ; những gì chúng ta tác động tới sức khoẻ bây giờ có thể khiến ta hối hận khi về già; có sức khoẻ là có tất cả.
- Kế hoạch – Mục đích – Thời gian biểu: Với những thứ này, bạn sẽ biết rõ mình nên làm gì, mình phải làm gì; tôi khuyên các bạn nên có một cuốn sổ tay, ghi lại dự định, kế hoạch, mục tiêu cho tương lai gần và xa; để làm gì, để khi bạn không biết phải làm gì thì vẫn có cách để bạn nhớ, đó là mở lại cuốn sổ.
- Ý chí – Động lực: Có sức khoẻ, tuổi trẻ, có ước mơ vẫn chưa đủ; muốn biến nó thành hiện thực, tức là hành động, bạn phải có ý chí kiên cường, không ngại khó, sẵn sàng đối mặt; đừng bao giờ đẩy lùi lại ngày mai, vì nhỡ ngày mai là ngày cuối cùng….?
- Tinh thần học hỏi: Đây là nhân tố tôi coi trọng hàng đầu, thậm chí quan trọng hơn cả sức khoẻ theo ý kiến chủ quan của tôi; bạn muốn thành công thì hãy học hỏi người thành công; bạn đã qua độ tuổi học phổ thông chưa, nếu rồi thì hãy bắt đầu với việc suy nghĩ độc lập; bạn có thể vâng lời bố mẹ, nhưng nếu bố mẹ bạn không có được thành công mà bạn mong muốn thì cũng đừng nghe lời họ mãi…
- Chiến hữu – Kẻ thù – Đối thủ: Dù bạn làm gì cũng đừng bao giờ làm một mình; có người để song hành, có người để đề phòng, có người để cạnh tranh, hẳn sẽ nhộn nhịp hơn là một mình rồi.
Nếu bạn là thiên tài, tôi sẽ cân nhắc điều này. Nhưng thiên tài thì đâu cần quan tâm tới những gì tôi nói nãy giờ nhỉ?
”Hãy sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai. Hãy mơ ước như thể bạn sẽ sống mãi mãi.” – James Dean
II. Quản lý
Không ít người trong số chúng ta để mọi thứ trôi đi một cách vô nghĩa. Một ngày trôi đi vô nghĩa, ta chán nản, nhưng chẳng biết làm gì để thay đổi điều đó, rồi lại một ngày nữa trôi đi vô nghĩa, cứ như vậy, ta bỏ phí rất nhiều thứ chứ không riêng gì thời gian. Chẳng hạn, sức khoẻ, kiến thức, cơ hội…. Tất cả chỉ vì chúng ta không biết cách quản lý. Nếu phải chọn giữa một chiếc túi lớn và chiếc cặp nhỏ hơn nhưng nhiều ngăn, bạn sẽ lựa chọn gì? Hầu như ai cũng trả lời là chiếc cặp nhiều ngăn. Vì sao? Vì tính tiện dụng của nó, giúp ta chứa đồ, sắp xếp khoa học hơn. Vậy còn những người chọn chiếc túi lớn, với lý do đựng được nhiều thứ hơn?
Hãy tưởng tượng một chút nhé? Khi bạn cần tìm một món đồ nào đó, mà nó lọt sâu và lẫn trong đủ thứ đồ bạn nhét vào túi; hãy tưởng tượng một hình ảnh vui nhé: bạn đang tìm thứ gì trong thùng rác vậy? Từ ví dụ về chiếc túi và chiếc cặp đó, bạn đã thấy rõ vai trò của việc tổ chức quản lý chưa? Khi bạn đã biết cách tổ chức quản lý khoa học, hiệu quả công việc của bạn sẽ cực kỳ cao. Bạn làm 1 bằng người khác làm 10. Hãy thử tưởng tượng một doanh nghiệp lớn mà không có hệ thống quản lý từ cao tới thấp, các phòng ban khác nhau, thì liệu doanh nghiệp đó có đứng vững được hay không? Giờ tôi sẽ định hướng giúp các bạn về cách tổ chức quản lý.
1. Quản lý thời gian:
”Làm chủ thời gian là làm chủ cuộc đời.” – Lakein
– Tiêu chí của quản lý thời gian là: thứ nhất không để thời gian chết (thừa) quá nhiều; thứ hai sắp xếp công việc và làm việc tuần tự để không bị thiếu thời gian.
– Một ngày chúng ta chỉ có 24 giờ. Nếu để nó thừa thãi lúc này, thì sau này bạn sẽ thiếu thốn nó vô cùng. Và thật tuyệt là bây giờ tôi rất bận rộn. Chỉ mong 1 ngày có thêm 1 giờ nữa thôi là hạnh phúc lắm rồi. Thực ra bản thân tôi mới chỉ phát huy được tiêu chí đầu tiên thôi. Tôi tham quá nhiều việc, đến cuối ngày, nhìn lại danh sách công việc phải làm, tôi không bao giờ hoàn thành hết 100% được, tôi vẫn còn bỏ dở khá nhiều việc lớn nhỏ khác nhau. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, vì tôi đã không để thời gian trôi đi vô nghĩa. Tôi chạy đua với thời gian, chứ không phải ngồi nhìn thời gian chạy; tôi tự tạo ra áp lực về thời gian chứ không phải đợi thời gian tạo áp lực cho tôi; tôi song hành và thách thức thời gian, chứ không phải thời gian gây khó dễ cho tôi.
Hãy biết quý trọng thời gian! Vì nó cũng giống như con người vậy, thậm chí còn công bằng hơn con người bởi nó không phân biệt giàu nghèo. Nó sẽ đáp lại sự tôn trọng của bạn một cách xứng đáng. Vậy tôi đã quản lý thời gian như thế nào? Hẳn các bạn đang nghĩ tôi đã chọn một chiếc túi lớn và nhồi nhét tất cả công việc vào đó? Tôi luôn phân loại công việc thành 4 phần: Sức khoẻ, Sự nghiệp, Tình cảm, Tài chính (gợi ý từ tử vi và cung hoàng đạo). Theo đó, tôi sẽ tính toán dành bao nhiêu trong quỹ 24 giờ cho từng phần này. Bạn cũng có thể phân chia theo cách này, hay cách khác, miễn là bạn đã bắt tay vào quản lý quỹ thời gian thì vẫn hơn là không làm rồi. Hãy thực hiện nó với cuốn sổ bất ly thân, đừng tính toán bằng bộ não thiên tài bạn nhé!
”Một ngày có 24 giờ. Vậy là mỗi tháng, bất kể giàu nghèo, mỗi người đều được cấp 720 giờ. Hãy chi tiêu cho hợp lý để cuối tháng không phải ăn ”mỳ gói sinh viên.” – Sư phụ tôi
2. Quản lý cảm xúc
Ồ cảm xúc cũng cần quản lý? Hiển nhiên rồi. Thử ngẫm, nếu để cảm xúc tràn lan lấn chiếm suy nghĩ, thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ hành động theo bản năng, theo cảm tính, và sẽ để phần con lấn chiếm phần người. Cái cần làm, là hành động, suy nghĩ có lý trí, để tính người khống chế được phần con trong mỗi chúng ta.
Cảm xúc là thứ gây nghiện. Nếu bạn tìm đến nó quá nhiều, bạn sẽ không còn thiết nghĩ tới những gì khác trong cuộc sống nữa (điều này dễ thấy trong lớp thanh thiếu niên, độ tuổi đã bắt đầu biết rung động….).
Cảm xúc cũng giống như một đứa trẻ vậy. Nếu bạn nuông chiều nó, nó sẽ không bao giờ biết phân biệt phải trái, và ngày càng quấy phá (đối với những người hay cáu bẩn, ban đầu chỉ một chút nóng nảy, ấm ức lưu giữ trong đầu, rồi dần dần, khi không biết cách kiềm chế, kiểm soát, nó sẽ càng lớn dần lên và không thể kìm hãm được nữa, sẽ càng khó kiềm chế tính khí hơn, dễ nổi nóng hơn; và người như vậy sẽ khó mà tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc sống).
Vậy nên, trong mọi tình huống, bất kể ra sao, bạn cũng phải suy nghĩ, nhìn nhận theo hướng khách quan, tránh suy nghĩ chủ quan, đánh giá theo cảm tính. Tức là, hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh, tỉnh táo. Việc này không phải là dễ, vì thế ta càng phải thực hiện, bởi nó sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta, hiện tại và tương lai. Nhưng bạn biết không, để thực hiện nó cũng chỉ bắt đầu từ một hành động rất đơn giản: IM LẶNG.
Khi ta im lặng, ta sẽ biết lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là hoạt động của đôi tai, mà nó còn kết hợp với khối óc nữa. Khi ta để cái miệng ”làm loạn” thì đôi tai và khối óc đều vô dụng. Bởi vậy mới có câu: ”Im lặng là vàng.” Nhưng im lặng không phải là im lặng tuyệt đối. Khi bạn đã biết dừng lại lắng nghe, suy nghĩ kỹ lưỡng, chắc chắn, lời nói của bạn sẽ có giá trị. Và khi bạn đã lắng nghe người khác rồi, có khó không khi bạn lên tiếng, sẽ có người tôn trọng và lắng nghe bạn?
Tôi không khuyên các bạn loại bỏ hoàn toàn cảm xúc trong hành động, mà là điều hoà nó. Cái gì nhiều quá cũng không tốt. Tất cả đều phải cân bằng và điều hoà. Đến đây, bạn hãy mở cuốn sổ của mình ra, mở về trang cuối cùng và ghi lại những điều sau đây, tôi tin là sẽ vô cùng hữu ích với các bạn:
“Khi chán nản hãy cất vang giọng hát; khi đau khổ hãy mở lòng cười lớn; khi phiền não hãy làm việc nhiều hơn; khi sợ hãi hãy dũng cảm thẳng bước; khi tự ti hãy thay quần áo mới; khi âm u hãy cao giọng gào thét; khi khốn khó khôn cùng hãy tưởng tượng sự giàu có trong tương lai; khi lực bất tòng tâm hãy hồi tưởng sự thành công trong quá khứ; khi thiếu tự trọng hãy tưởng tượng mục tiêu của mình; khi quá tự tin hãy tìm lại ký ức của thất bại; khi hưởng thụ thoả thích hãy nhớ đến những ngày đói khát; khi dương dương tự đắc hãy tưởng tượng đến đối thủ cạnh tranh; khi thoả mãn hãy đừng quên thời khắc nhẫn nhục; khi tự cho mình là đúng hãy xem mình có bị kẻ khác điều khiển không; khi giàu có hãy nhớ đến lúc ăn không no bụng; khi kiêu ngạo tự mãn hãy nghĩ đến lúc bản thân nhu nhược; khi vênh váo tự cao tự đại hãy ngẩng đầu nhìn lên các vì sao.” – Trích từ sách “Phép Tắc Của Loài Sói“
Đây chính là quy luật lấy bất biến ứng vạn biến. Khi tâm trí bạn điều hoà, mọi việc đều trong tầm tay.
”Xử lý một việc theo lý trí chỉ có một cách, nhưng cách đó chắc chắn hiệu quả. Còn nếu xử lý bằng cảm xúc thì có cả ngàn cách, nhưng có thể sẽ không một cách nào hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.” – Sư phụ tôi
III. Tùy cơ ứng biến
Làm việc quy củ, nhìn nhận tỉnh táo, không để cảm xúc ảnh hưởng công việc. Bạn mới chỉ biến mình thành một cỗ máy chăm chỉ hành động thôi. Nhưng đi được đến bước này, bạn đã thành công không nhỏ rồi. Hoan hô! Đến đây, bạn mới được cho phép bản thân tuỳ cơ ứng biến. Giả như sổ kế hoạch đầy ắp công việc nói rằng hôm nay bạn không có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng có việc đột suất phát sinh đòi hỏi bạn phải bỏ dở công việc, hãy linh động. Việc đột suất đó có thể là họp mặt gia đình, chuyến đi tập thể, hay ”cơ hội ngàn năm có một” nào đó chẳng hạn. Trước những lựa chọn như vậy, bạn chỉ có thể chọn một và đi tiếp. Phân vân sẽ lại mất thêm thời gian vô nghĩa, mà vội vàng sẽ khiến bạn hối hận với lựa chọn. Hãy ghi những công việc đó vào sổ, hãy tạo cho mình thói quen đó. Hãy ghi ra xem với những việc đó, nếu làm thì kết quả thế nào, nếu không làm thì kết quả ra sao. Cuối cùng chốt hạ kế hoạch theo hướng bạn thấy tốt nhất.
Bên cạnh đó, hãy xem xét mức độ ưu tiên của một việc theo chu kỳ của nó. Giả sử việc A và việc B đều quan trọng như nhau, nếu làm hay không làm kết quả của 2 việc là ngang nhau. Nếu việc A là việc hàng ngày, việc B chỉ diễn ra 1 năm 1 lần, thì bạn nên ưu tiên công việc B hơn. Đây chính là phương pháp sư phụ đã dạy cho tôi, và nó giúp tôi động não khi hành động chứ không phải nhắm mắt chọn bừa theo ý thích. Chính bản thân tôi khi không cân nhắc như vậy, tức là không tìm điểm lợi, điểm bất lợi từ mỗi hành động lựa chọn mà chỉ chạy theo đám đông, không có chính kiến rõ ràng; cuối ngày, tôi cảm thấy hối tiếc nhiều hơn là hứng khởi.
IV. Quá trình và kết quả
Mọi thứ đều có quá trình và kết quả. Nếu các bạn tin vào luật nhân quả, mà tôi nghĩ chúng ta nên tin vào luật nhân quả. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Người ta thường nhìn vào kết quả mà đánh giá bạn, chỉ ai thực sự hiểu bạn mới nhìn vào cả quá trình. Mà như vậy cũng tốt. Tôi nói tốt là bởi vì nếu ai cũng chịu khó nhìn vào quá trình bạn hành động thì chẳng phải ”lộ bí kíp” rồi sao? Bạn sống cuộc đời của chính bạn, chứ không phải sống nhờ phiếm luận của kẻ khác. Bởi vậy, hãy kiên trì hành động, chỉ riêng kiên trì thôi đã là kết quả khá tốt rồi. Gieo hạt không thể ngày một ngày hai mà có quả ngay được. Bởi nếu như vậy thì bạn còn cạnh tranh được với ai nữa?
Đôi khi chúng ta hành động vô hướng chỉ quan tâm kết quả. Đó là lý do chúng ta luôn thắc mắc: ”Tại sao nó lại như thế? Rõ ràng mình đã….như thế rồi mà? Sao nó vẫn….như thế?….” Ngay cả bản thân chúng ta cũng không chịu khó theo dõi quá trình mình hành động. Hãy lật lại cuốn sổ. Hãy luôn làm tuần tự như vậy: ghi sổ, hành động theo điều đã cân nhắc trong sổ, lật lại cuốn sổ để theo dõi quá trình. Khuyết điểm không bao giờ được rút ra từ kết quả, mà là từ quá trình. Phải tìm được khuyết điểm mới tìm được con đường thành công. Thất bại là mẹ thành công, nhưng chúng ta sống được bao lâu mà cứ phải ngồi đếm thất bại?
Quản Gia Họ Đào
0 nhận xét:
Đăng nhận xét