Việt Nam đã sản xuất thành công con chip vi xử lý và bắt đầu thương mại hóa.
Việc sản xuất chip trong nước thành công là quá tuyệt vời nhưng chỉ làm chủ mà không nắm bắt nhu cầu thị trường sẽ có nhiều thách thức đón đợi. KS Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiết Bảo – một đơn vị chuyên sản xuất các thiết bị tự động như: máy quấn dây tự động, máy đo kiểm, robot… đã bày tỏ sự vui mừng khi hay tin Việt Nam đã sản xuất thành công con chip vi xử lý và bắt đầu thương mại hóa. Theo KS Bảo, hiện các DN sản xuất ở trong nước đều đang phải nhập khẩu các thiết bị, linh kiện từ nước ngoài. Do vậy đây là một tin vui đáng tự hào. Tuy nhiên để sản phẩm có thể tự 'sống' được thì làm chủ công nghệ thôi là chưa đủ.
Không dễ cạnh tranh
Việc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi xử lý 8/16/32 bit và phát triển ứng dụng của nó thành công khiến giới chuyên môn vô cùng ngưỡng mộ. Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam vui mừng: "Tôi đánh giá cao thành công của ICDREC khi sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm chip với giá thành chỉ khoảng 50.000/chip. Hiện sản phẩm này đã ứng dụng được vào công tơ điện tử và một số thiết bị quốc phòng. Đây thực sự là thành công lớn vì các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, có thể chủ động trong sản xuất các thiết bị phục vụ đời sống và cả an ninh quốc phòng". Cũng vui mừng không kém, KS Kỳ Thiết Bảo cho rằng các nhà khoa học ICDREC đã bước được một chân vào lĩnh vực công nghệ cao đó là công nghệ vi mạch. "Hiện các DN sản xuất trong nước đều phải nhập hết các linh kiện từ nước ngoài. Chính vì thế nên nếu thấy thiết bị, linh kiện trong nước uy tín thì chắc chắn ủng hộ, không chỉ về lợi nhuận mà còn là niềm tự hào dân tộc. Việc sản xuất chip trong nước thành công là quá tuyệt vời vì hầu hết các thiết bị điện tử từ gia dụng đến các thiết bị cao cấp đều cần sử dụng đến con chip này", KS Bảo bày tỏ niềm vui. Tuy nhiên là đơn vị trực tiếp sản xuất ở trong nước nhiều năm qua nên ông Bảo thấu hiểu cái khó để một sản phẩm công nghệ có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường - nhất là thị trường nội địa đang đối mặt với quá nhiều thứ cạnh tranh hiện nay. "Hiện nay chúng tôi sản xuất máy hiểu rõ sự khó khăn như thế nào, phải làm thế nào để các nhà sản xuất thấy được đồ nội địa chất lượng không kém mà giá cả cạnh tranh. Đây là bước đi không đơn giản", ông Bảo nói. Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Long chia sẻ: thách thức lớn nhất đối với sản phẩm này là mới ra thị trường nên chắc chắn khó khăn hơn các sản phẩm đã có chỗ đứng từ lâu. "Hiện cũng có nhiều thông tin trái chiều vì với Việt Nam công nghiệp sản xuất đi chậm hơn so với thế giới hàng chục năm. Hiện thế giới đã toàn cầu hóa sản xuất nên có hai xu hướng, một là nghiên cứu, sản xuất theo thiết kế của mình nước ngoài đặt hàng. ICDREC đã thành công có sản phẩm đưa ra thị trường với những thông số kỹ thuật, sản phẩm được ứng dụng nhưng không phải dễ đưa ra thị trường dù chúng ta vẫn nói rằng hàng năm Việt Nam cần tới hàng tỉ con chip. Thế nhưng những con chip này thuộc các thiết bị khác mà hầu hết các thiết bị càng công nghệ cao thì tỉ lệ linh kiện của nước ngoài chiếm trong đó càng lớn. Có khi chiếm đến 99% nên rất khó để con chip của Việt Nam len vào. Còn sản xuất bán ra nước ngoài càng khó cạnh tranh hơn bởi với những nhà sản xuất đã có bề dày kinh nghiệm cộng với hàng loạt những ưu thế khác sẽ khiến giá thành cũng như mọi mặt thuận lợi hơn rất nhiều", ông Long e ngại.Một sản phẩm chíp VN8-01 do ICDREC sản xuất - Ảnh: ST
Phải có bước đi chắc
Tỏ ý ủng hộ cao đối với sản phẩm con chíp 'Made in Viet Nam', KS Bảo bày cách để kết quả nghiên cứu này có thể 'sống' được trên thương trường. Theo ông Bảo, điều cần làm hiện nay là sự kết nối với các DN sản xuất cũng như khảo sát nắm bắt nhu cầu thực của họ. "ICDREC là đơn vị sản xuất linh kiện phụ kiện thì phải khảo sát được thị trường trong nước và nếu có được hợp đồng xuất khẩu thì tốt. Hướng lâu dài là cung cấp thị trường trong nước.
Tuy nhiên chấp nhận giai đoạn ban đầu có thể giảm giá thành để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình", ông Bảo chia sẻ.
Thực tế trên thị trường với các sản phẩm ứng dụng có sử dụng con chip chuyên dụng (chip cảm biến, máy điều khiển, máy giặt, các thiết bị thông minh...) hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên đa số các thiết bị này nhập của nước ngoài hoặc có sản xuất trong nước thì họ cũng chuẩn bị sẵn hết các chi tiết cần thiết cho một thiết bị. Do vậy để xâm nhập vào đó thì rất khó.
Do vậy ông Long cũng cho rằng ngoài việc DN chủ động thì chính sách nhà nước cũng cần tạo điều kiện. "Việc cần làm hiện nay nếu các cơ quan thực tâm muốn thúc đẩy phát triển thì những nơi nào dùng con chip hãy tạo cơ chế khuyến khích họ sử dụng hàng nội địa. Phải đi từ những con số nhỏ rồi mới có thể mong muốn sự bứt phá về sau. Có thể khẳng định hiện thị trường cho con chip này ở Việt Nam thì không phải là không có nhưng vào được thị trường đó lại không dễ", ông Long thận trọng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét